Thiết lập Hiến pháp Thời_kỳ_Campuchia_Dân_chủ

Hiến pháp mới ra đời ngày 5/1/1976, còn được gọi Hiến pháp Campuchia Dân chủ. Hiến pháp không có đoạn nào nói về những quyền tự do căn bản, mà chỉ ám chỉ đến chính sách cường bách lao động bằng câu "tuyệt đối không có nạn thất nghiệp". Điều 12 về "quyền và nghĩa vụ công dân", chỉ vọn vẹn vài câu nam nữ đều có quyền bình đẳng như nhau.

Về chính sách đối ngoại, điều 21 quy định "kiên định theo đuổi chính sách độc lập, hòa bình, trung lập, và không liên kết. Nhân dân Campuchia chắc chắn sẽ không cho phép bất cứ một quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, đồng thời kiên quyết và dứt khoát phản đối các thế lực bên ngoài có hành động can thiệp dưới mọi hình thức vào những vấn đề nội bộ của Campuchia.". Cam kết hỗ trợ các quốc gia chống chủ nghĩa đề quốc trong thế giới thứ 3. Nhưng các cuộc xung đột với Việt Nam, Lào, Thái Lan trong năm 1977-1978 không phản ánh điều đó.

Cơ cấu Chính phủ cũng được nêu ngắn gọn trong đó. Lập pháp là Quốc hội gồm 250 thành viên "đại diện cho nông dân công nhân quân đội và các tầng lớp khác của Campuchia". Quốc hội đề cử Khieu Samphan giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, So Phim Phó chủ tịch thứ nhất, Nhim Ros Phó chủ tịch thứ 2, Chủ tịch Quốc hội là Nuon Chea. Quốc hội có nhiệm kỳ 5 năm và được dân bầu. Cuộc bầu cử đầu tiên và duy nhất được tổ chức ngày 20/3/1976, người mới (xuất thân từ đô thị) không được tham gia bầu cử. Hệ thống Tư pháp là các tòa án do Quốc hội chỉ định.

Ngày 12/4/1976, chính phủ chính thức ra mắt. Thủ tướng là Pol Pot, Ieng Sary Bộ trưởng ngoại giao, Son Sen Bộ trưởng quốc phòng, Von Vert Phó Thủ tướng đặc trách Kinh tế, Khoy Thuon Bộ trưởng Kỹ nghệ, Hu Nim Bộ trưởng Thông tin, Thioun Thioeun Bộ trưởng Y tế, Tauch Phoem Bộ trưởng Công chánh. Vợ Son Sen là Yun Yat Bộ trưởng Văn hoá giáo dục, vợ Ieng Sary là Ieng Thirith Bộ trưởng vấn đề Xã hội.

Hiến pháp không đề cập tới việc cả nước chia làm 7 khu (7/1975) và 2 vùng tôn giáo đặc biệt, vùng 505 và 106.

Liên quan